Chỉ với một túi đậu xanh cùng một ít gia vị, bạn có thể tự tay chế ra đủ món ngon trên đời. Nào là chè đậu xanh, xôi đậu xanh, nước đậu xanh rang,… Các “thức quà” từ đậu xanh từ lâu đã trở thành những món ăn giải khát không thể thiếu trong căn bếp nhỏ của người Việt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bật mí cho bạn công thức làm 6 món ngon từ đậu xanh vừa “dễ vào miệng” lại thanh mát, giải độc gan.
Nội dung chính
Đậu Xanh giúp thanh mát lá gan
Theo đông y, đậu xanh có vị ngọt, tính mát, không độc, bổ nguyên khí, mát gan, giải độc. Đối với mọi loại độc đều có thể giải được bằng đậu xanh. Bản thảo cương mục (đời Minh ) của Lý Thời Trân cũng ghi rằng kể cả buồn bực trong người hay ngộ độc thực phẩm đều có thể sử dụng đậu xanh để giải độc. Người sử dụng bia rượu nhiều dùng nước đậu xanh rang để giải độc lại càng tốt hơn.
Thành phần khoa học của đậu xanh gồm nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như protein, chất xơ, vitamin A, B1,… Vỏ đậu xanh chứa flavonoid – chất giúp ổn định đường huyết – phù hợp với người bị biến chứng về gan do bệnh tiểu đường.
Đậu xanh là một nguyên liệu dễ kiếm dễ tìm trong mọi căn bếp Việt. Chế biến các món ăn từ đậu xanh cũng không hề khó. Bạn không nên bỏ qua những “thức quà” từ đậu xanh để giải mát lá gan cho cả nhà. Bạn đã sẵn sàng vào bếp chưa? Để tôi bật mí cho bạn 6 “món quà chiều” thanh mát đó nhé!
-
Chè bí đỏ đậu xanh
Bí đỏ giàu vitamin là thực phẩm tốt cho tim mạch, xương khớp, ngăn ngừa ung thư, điều hoà hệ tiêu hoá. Thực phẩm này kết hợp với đậu xanh tạo lên một món ăn vô cùng bổ dưỡng và thanh mát.
Nguyên liệu:
- 800g bí đỏ (nên chọn quả có ruột đỏ vàng, ăn sẽ ngon hơn).
- 300g đậu xanh đã cà vỏ.
- 200g đường .
- 1 ống vani.
- 1 hộp nước cốt dừa loại 160ml.
- 1 thìa muối.
Cách thực hiện:
- Bước 1:
Bí đỏ bỏ vỏ, nạo ruột, rửa sạch, thái miếng nhỏ vừa ăn.
Đậu xanh ngâm nước ấm khoảng 30 phút cho đậu nở mềm. Bạn có thể đãi bỏ vỏ hoặc không tuỳ khẩu vị.
- Bước 2: Cho bí đỏ, đậu xanh vào nồi. Đổ nước vào nồi sao cho ngập hơn phần đậu xanh và bí đỏ từ 2 – 3cm.
- Bước 3: Vặn lửa vừa hầm đến khi đậu xanh và bí đỏ chín mềm thì chuyển lửa nhỏ. Hớt bọt rồi lấy đũa đánh nhuyễn đậu xanh và bí đỏ.
- Bước 4: Cho muối, đường và 2 ống vani vào đảo đều. Nấu thêm khoảng 5 – 7 phút là được.
- Bước 5: Múc chè ra bát. Thêm nước cốt dừa vào, ta có ngay một bát chè thơm “nức mũi”.
Vị bùi bùi của đậu xanh, bí đỏ hoà quyện với vị béo ngậy của nước cốt dừa, còn gì ngon bằng.
Chè đậu xanh nước cốt dừa
Đây là một món ngon đơn giản hơn bạn có thể tham khảo. Trong nước cốt dừa tự nhiên có chứa axit lauric – một chất giúp giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol có lợi. Dùng nước cốt dừa nấu chè sẽ ngăn ngừa được nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Nguyên liệu:
- 400g đậu xanh đã bỏ vỏ.
- 150g dừa nạo.
- 200g đường cát trắng (hoặc có thể thay bằng đường phèn cho mát).
- 1 ống vani.
- 1 thìa bột năng (hoặc bột bắp).
- 1 thìa muối.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Ngâm đậu xanh đã bỏ vỏ với nước nguội khoảng 3 – 4 tiếng cho nở to. Rửa sạch lại với nước, để ráo. Dừa nạo ngâm với nước ấm khoảng 30 phút rồi vắt lấy phần nước cốt.
- Bước 2: Cho đậu xanh vào nồi, đổ ngập mặt 1cm. Thêm đường, muối vào nồi đun lửa to trong 20 phút. Thêm tiếp 0.5l nước vào nồi, đun với lửa nhỏ trong 15 phút nữa.
- Bước 3: Hớt hết bọt rồi đổ bột năng vào. Khuấy đều nồi chè cho sánh lại. Đừng quên thêm vani vào nồi để tạo mùi thơm cho chè.
- Bước 4: Múc chè ra bát cùng 2 thìa nước cốt dừa và thưởng thức thôi.
Sữa đậu xanh lá dứa
Sữa được nấu chung với lá dứa sẽ cho mùi thơm đặc trưng lại có màu sắc cực bắt mắt. Mùi vị của món sữa này rất “cuốn”, uống 1 ly thì muốn thêm 2 – 3 ly nữa. Cũng không quá khó để bạn chuẩn bị những ly sữa đậu xanh lá dứa cho cả nhà thưởng thức mỗi dịp cuối tuần đâu nhé!
Nguyên liệu:
- 400g đậu xanh không vỏ.
- 1 thìa cà phê muối.
- 500ml nước lọc.
- 200g lá dứa.
- 400ml nước cốt dừa.
- 400g sữa đặc ông thọ.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Ngâm đậu xanh 5 tiếng với nước nguội (đã pha thêm một thìa cà phê muối).
- Bước 2: Rửa sạch đậu xanh. Ninh đậu xanh với 500ml nước lọc trong 15 phút.
- Bước 3: Xay đậu xanh cùng với nước nấu thật nhuyễn. Đồng thời, xay nhuyễn 200g lá dứa ở một máy xay sinh tố khác. Sau đó, lọc bỏ phần bã nước lá dứa qua rây.
- Bước 4: Cho nước lá dứa với nước đậu xanh vào nồi. Cho thêm nước cốt dừa, sữa đặc vào nồi, đun lửa nhỏ đến khi sữa ấm ấm.
Bột đậu xanh
Nếu không có nhiều thời gian để chuẩn bị những món ăn phức tạp, bạn nên thử qua bột đậu xanh. Bột đậu xanh có thể bảo quản được từ 2 – 3 tháng nên rất tiện lợi. Bột đậu xanh thì chỉ cần pha với nước ấm thêm chút đường là ăn được.
Nguyên liệu:
- Hạt đậu xanh với số lượng tùy thích (để cho tiện, bạn nên xay luôn 1 – 1.5kg dùng dần).
- Cối xay khô, rây lọc bột.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Ngâm đậu xanh khoảng 1 tiếng với nước nguội. Rồi rửa sạch đậu để ráo nước.
- Bước 2: Bắc chảo lên bếp, rang khô đậu.
- Bước 3: Cho đậu vào trong cối để xay. Lọc bột đậu đã xay qua rây cho mịn.
- Bước 4: Để bảo quản tốt hơn, bạn có thể cho bột đậu vào sao lại lần nữa tới khi khô hẳn.
Chè đậu xanh cả vỏ
Chè đậu xanh bỏ vỏ ăn không bị xác lại còn bùi. Tuy nhiên, bạn không nên bỏ qua phần vỏ đậu xanh. Ăn cả vỏ đậu xanh sẽ tăng thêm giá trị dinh dưỡng nhận được từ mỗi hạt đậu xanh.
Nguyên liệu:
- 200 gam đậu xanh nguyên hạt.
- 100 gam đường phèn hoặc đường kính (tùy theo sở thích của bạn nhé).
- Bột năng (hoặc bột sắn), muối.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Ngâm đậu xanh trong nước khoảng 30 phút.
- Bước 2: Hấp đậu xanh với lửa lớn đến khi chín mềm. Dùng thìa miết đậu cho nát mịn ra.
- Bước 3: Cho 1 lít nước vào nồi, thêm cả đường, bột năng và muối. Khuấy đều và đun với lửa vừa.
- Bước 4: Đun lửa vừa và khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp sánh lại. Sau đó tắt bếp. Cho đậu xanh đã hấp vào hỗn hợp vừa đun xong, khuấy đều tay để hỗn hợp hòa quyện với nhau.
Kem đậu xanh
Kem là món ăn mà từ người già đến trẻ nhỏ đều không thể chối từ. Con trẻ lười ăn rau, ăn chè, bạn có thể thử qua công thức này để giúp chúng thanh mát, giải độc lá gan.
Nguyên liệu:
- 100g đậu xanh đã bỏ vỏ.
- 220ml sữa tươi có đường.
- 200g kem tươi
- 2 thìa bột bắp.
Thực hiện:
- Bước 1: Đậu xanh rửa sạch, ngâm qua đêm (ít nhất 6 tiếng). Sau đó, vớt ra để ráo.
- Bước 2: Hấp cách thuỷ đậu xanh đến khi chín mềm. Dùng thìa miết nát mịn 3/4 lượng đậu xanh, để nguyên 1/4 lượng đậu xanh còn lại.
- Bước 3: Đun lửa nhỏ hỗn hợp kem tươi, sữa tươi và bột bắp. Hỗn hợp sôi lăn tăn mép nồi thì tắt bếp. Để nguội hỗn hợp này.
- Bước 4: Trộn đều hỗn hợp trên với toàn bộ phần đậu xanh đã hấp chín. Cho toàn bộ nguyên liệu vào khuôn kem. Để ngăn đá tầm 2 tiếng là có kem để ăn.
Hy vọng 6 công thức kể trên sẽ làm phong phú thêm danh sách các “món ăn khoái khẩu” của bạn. Những món ăn này rất tốt cho gan lại dễ nấu dễ làm. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng thường xuyên được. Lưu ý, nếu bạn mắc tiểu đường hãy giảm bớt lượng đường trong mỗi khẩu phần ăn kể trên. Thay thế đường trắng bằng đường phèn cũng là một lựa chọn tốt hơn.